Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC)
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Kinh tế số & Xã hội số

Các nền tảng công nghệ phòng chống Covid-19

Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia được thành lập vào tháng 6 năm 2021, với sự hợp lực của 2 ngành Y tế và Thông tin và Truyền thông. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm đã chủ trì phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Các nền tảng và công cụ này phối hợp để tạo thành một liên hoàn giải pháp công nghệ giúp lực lượng y tế ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19 đã phát triển ổn định và đáp ứng được nhu cầu sử dụng của gần 40 triệu người dùng thường xuyên.

Năm 2021 đánh dấu sự bùng phát mạnh trở lại của dịch Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt với đợt bùng phát thứ 4 tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây nhiễm cao khiến số ca F0 tăng chóng mặt, gây áp lực lớn khủng khiếp lên đội ngũ y bác sỹ tham gia chống dịch nói riêng và hệ thống y tế cả nước nói chung. Sự đáng sợ của dịch Covid 19 nói chung và biến chủng Delta nói riêng chính là ở tốc độ lây lan vượt ngoài tầm kiểm soát của con người, vượt ngoài khả năng ngăn chặn của hệ thống y tế theo cách ứng phó truyền thống. Càng bị bỏ lại phía sau tốc độ lây lan của virus thì gánh nặng lên ngành y tế trong công tác điều trị càng lớn, và hệ quả của việc không ngăn chặn kịp chính là sự quá tải của hệ thống y tế, đây cũng là ác mộng đối với mọi quốc gia khi bị dịch bệnh tấn công, kể cả là những quốc gia phát triển nhất thế giới. Có thể nói virus Sars Cov 2 (Corona 2019) là kẻ thù vô cùng đáng sợ vì nó vừa tàng hình, vừa nhanh, lại vừa có sức sát thương cao. Các nỗ lực của ngành Y tế khi ứng phó với kẻ thù này không nằm ngoài các mục tiêu đón đầu và tiệm cận được với tốc độ của di chuyển, lây lan khi nó bùng phát để chặn đứng kịp thời. Bài toán đặt ra là cần rút ngắn các quy trình dịch tễ để tăng tốc việc phát hiện, khoanh vùng và cách ly nhanh các trường hợp lây nhiễm khỏi cộng đồng, giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch lan rộng. Bên cạnh việc tăng tốc đuổi kịp tốc độ di chuyển của virus, thì cũng cần phải dự báo trước được xu hướng di chuyển, lây lan của nó để đón đầu, từ đó giúp giảm thiểu hơn nữa các nguy cơ để “mất dấu” di chuyển của virus dẫn đến mất kiểm soát tình hình dịch bệnh. Thực tiễn công tác chống dịch năm 2020 – năm đầu tiên dịch bùng phát tại Việt Nam, cho thấy nếu chỉ bằng các phương pháp tính toán và nghiệp vụ truyền thống của y tế với sức người là chủ yếu thì hoặc y tế sẽ nắm chắc phần thất bại hoặc sẽ phải trả một cái giá rất đắt về kinh tế xã hội (biện pháp phong toả, cách ly toàn xã hội trong thời gian dài) để kiểm soát được sự bùng phát của virus.

Lời giải cho bài toán này chính là công nghệ. Các nền tảng công nghệ sẽ giúp số hoá quy trình nghiệp vụ để tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sức người, hạn chế tối đa các tiếp xúc trực tiếp - vốn là “dung môi” hoàn hảo cho virus lan rộng, đồng thời tăng tính chính xác của nghiệp vụ y tế. Quan trọng hơn, thông qua các nền tảng, nguồn dữ liệu lớn thu thập được sẽ là nhiên liệu đầu vào vô cùng quan trọng để xây dựng các mô hình dự báo xu hướng lây lan theo từng địa bàn, từ đó có biện pháp chuẩn bị ứng phó hiệu quả, vừa đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh vừa cân bằng với mục tiêu duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Vai trò của công nghệ cũng đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định trong thông điệp về chiến lược chống dịch: “5K + vaccine + thuốc + công nghệ”

Hưởng ứng phát động của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều giải pháp công nghệ đã được nhanh chóng phát triển và ra mắt phục vụ người dân trong giai đoạn đầu năm 2020, có thể kể đến như Bluezone, Ncovi, VHD… Trong giai đoạn này, các giải pháp này có thể nói là tuy “đông nhưng lại thiếu tinh nhuệ”. Mỗi giải pháp lại phát triển theo một con đường riêng, thiếu sự nhất quán với các định hướng chung về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, dữ liệu bị phân mảnh khiến cho việc hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ dịch tễ của ngành y tế trên quy mô toàn quốc không được hiệu quả, người dùng cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi lựa chọn các giải pháp phù hợp để sử dụng phục vụ bản thân, gia đình và cơ quan. 

Nhận thấy rõ bất cập này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 2 Bộ Y tế và Thông tin và Truyền thông cần nhanh chóng hợp nhất lực lượng để thống nhất và quy hoạch lại tất cả các giải pháp công nghệ phòng, chống Covid giúp nâng cao hiệu quả chống dịch, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia được thành lập vào tháng 6/2021, với sự hợp lực của 2 ngành Y tế và Thông tin và Truyền thông, đã chủ trì phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Các nền tảng và công cụ này phối hợp để tạo thành một liên hoàn giải pháp công nghệ giúp lực lượng y tế bám sát được kẻ thù vừa nhanh vừa vô hình.  Nổi bật nhất là các nền tảng: 

- Nền tảng khai báo y tế và phản ánh thông tin dịch bệnh cung cấp dữ liệu về tình trạng và diễn biến sức khoẻ của xã hội, các bất ổn tiềm tàng trong công tác phòng chống dịch… từ đó giúp Chính phủ lên phương án ứng phó đón đầu từ sớm;

- Nền tảng kiểm soát mã QR giúp mô hình hoá và vẽ lên một cách trực quan lịch trình di chuyển, mạng lưới tương tác của các cá nhân, phương tiện đi lại trong xã hội để khi phát hiện ra một ca dương tính thì các các nhân liên quan có thể nhanh chóng được phát hiện và cách ly bằng việc lần theo mạng lưới tương tác này;

- Nền tảng xét nghiệm và trả kết quả theo hình thức điện tử giúp rút ngắn thời gian tiếp xúc xã hội của người dân, phát hiện và trả kết quả nhanh đến thẳng thiết bị cầm tay của người dân, vừa giúp cảnh báo sớm đến ca dương tính để tự cách ly bản thân, vừa giúp rút ngắn đáng kể quy trình nghiệp vụ y tế cần thực hiện từ khi phát hiện F0 đến khi cách ly y tế và điều trị;

- Nền tảng hỗ trợ truy vết kết hợp giữa dữ liệu quét mã QR và dữ liệu tiếp xúc gần để thần tốc tìm ra các ca F1, F2… giảm thiểu triệt để “khoảng thời gian chết” từ khi phát hiện ra F0 đến khi khoanh vùng được hết các F liên quan khác. Nền tảng truy vết, kết hợp cùng nền tảng xét nghiệm và nền tảng điều phối, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 sẽ tạo nên một chuỗi liên hoàn giải pháp thần tốc và khép kín từ khi phát hiện ra ca nhiễm đến khi cách ly và điều trị. 

- Nền tảng hỗ trợ tiêm chủng giúp rút ngắn thời gian tiêm qua đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm do tụ tập đông người, đồng thởi tăng tối đa tiến trình phủ vaccine phòng Covid-19 đến toàn dân, giúp sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Trung tâm cũng đã giúp tạo ra sự hợp lực về mặt công nghệ giữa rất nhiều doanh nghiệp đang triển khai các giải pháp phòng, chống Covid. Dưới lá cờ chung do 2 Bộ Y tế và Thông tin và Truyền thông cùng khởi xướng, các doanh nghiệp đã thống nhất phối hợp triển khai trên tinh thần không còn khái niệm “giải pháp của tôi” hay “ứng dụng của anh nữa”, mà chỉ còn “giải pháp của chúng ta”. Dữ liệu của các nền tảng sau khi được quy tụ về Trung tâm đã nhanh chóng được đồng bộ, liên thông, đặc biệt đối với các nền tảng mang tính cốt lõi về chống dịch như khai báo y tế, kiểm soát ra vào bằng mã QR, hay hỗ trợ truy vết lây nhiễm… Nhờ dữ liệu được liên thông và đồng bộ về một kho chung, mà cơ quan quản lý hiện đã có một kho dữ liệu đủ lớn trên quy mô cả nước để có thể thực hiện giải pháp phân tích, dự báo tình hình dịch một cách chính xác với các bản đồ nguy cơ lây nhiễm đã được các địa phương khai thác rất hiệu quả phục vụ công tác phòng dịch trên địa bàn mình. Giải quyết được bài toán đồng bộ dữ liệu chính là lời giải căn cơ nhất để triển khai được các nền tảng công nghệ chống dịch một cách hiệu quả. Đến nay, các nền tảng công nghệ này có khoảng trên 30 triệu người dùng thường xuyên.

Trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo về việc áp dụng các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong đó có việc thống nhất một ứng dụng phòng chống dịch duy nhất trên cả nước (ứng dụng PC Covid). Ứng dụng được phát triển trên cơ sở kế thừa và hợp nhất các tính năng phòng, chống dịch của các ứng dụng phổ biến trước đây là Bluezone, Ncovid, VHD… và đã được chính thức ra mắt vào ngày 1/10/2021. Ứng dụng PC Covid được ra mắt đánh dấu một bước tiến quan trọng của các nền tảng công nghệ chống dịch khi vừa hợp nhất về mặt dữ liệu phục vụ công tác hiệu quả nghiệp vụ chống dịch, vừa hợp nhất về mặt ứng dụng giúp người dẫn dễ dàng tiếp cận sử dụng. Tuy nhiên, khi được công bố rộng rãi, PC Covid cũng đã gặp khá nhiều trở ngại, thách thức. Trước hết, do thời gian phát triển ngắn trước yêu cầu tiến độ hoàn thành Chính phủ đặt ra, nên khi được công bố ứng dụng vẫn chưa thực sự hoàn thiện, đặc biệt đối với chức năng đồng bộ các dữ liệu từ nền tảng quản lý tiêm chủng (vốn đã có nhiều vướng mắc khi khâu nhập liệu từ cơ sở tiêm chưa được triển khai đồng bộ). Thêm vào đó, việc thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản ứng dụng và khối truyền thông khiến thông tin truyền đạt đến người dùng chưa thật đẩy đủ đã dẫn đến những bức xúc và bất tiện đối với người dùng trong thời gian ngắn ban đầu. Sau một thời gian tích cực tiếp thu các ý kiến và nâng cấp toàn diện từ hạ tầng, dữ liệu đến quy trình triển khai, đến nay ứng dụng đã đi vào ổn định và đáp ứng được yêu cầu sử dụng của người dân. Ở thời điểm hiện tại, ứng dụng đã có hơn 35 triệu người dùng, một con số giúp PC Covid trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất của Việt Nam trên các kho ứng dụng trong thời gian rất ngắn.  

Có thể nói câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của các nền tảng công nghệ phòng chống Covid-19 chính là câu chuyện về sự thay đổi trong nhận thức và cách làm. Trước hết, công nghệ vị nhân sinh – khi xã hội có dịch bệnh thì sứ mệnh quan trọng nhất của công nghệ chính là để phục vụ, hỗ trợ ngành y tế chống dịch. Vì thế, triển khai công nghệ chống dịch phải dựa trên một mối quan hệ hữu cơ giữa một bên đặt đề bài là ngành y tế và một bên hiện thực hoá bằng công nghệ là ngành Thông tin và Truyền thông, không thể thiếu vai trò của 1 trong 2.  

Công tác tổ chức triển khai hiệu quả các nền tảng đến tận cấp cơ sở cũng là một thách thức lớn. Công nghệ dù ưu việt đến mấy thì cũng sẽ chỉ là thứ vô dụng nếu không có người dùng. Đặc biệt là những nền tảng công nghệ quốc gia thì càng cần đến sự vào cuộc từ các cấp chính quyền địa phương trong việc tổ chức vận động người dân sử dụng. Thực tiễn cho thấy sự thành công của các nền tảng chỉ có 20% đóng góp của yếu tố công nghệ, 80% còn lại chính là ở công tác tổ chức triển khai. 

Bên cạnh đó, những người làm công nghệ thường có xu hướng chỉ tập trung làm tốt chuyên môn với suy nghĩ giản đơn là sản phẩm tốt thì sẽ có người dùng, mà quên đi mất vai trò rất quan trọng của công tác truyền thông. Truyền thông đúng thời điểm, đúng đối tượng, đủ thông tin đôi khi đóng vai trò quyết định trong việc công nghệ có được người dân tiếp nhận và ủng hộ hay không.   
 

Đang tải

Bài liên quan