Đối với thành phố Hải Phòng, tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16 vừa thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”. Điều này thể hiện sự thay đổi về tư duy, nhận thức, tầm nhìn và từ đó xây dựng bằng các hành động cụ thể; bắt kịp xu thế tất yếu của sự phát triển, trở thành chìa khóa để chủ động thích ứng, hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Một trong những mục tiêu đề ra của Nghị quyết này là xây dựng ứng dụng trên nhiều nền tảng số để cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, sau khi hoàn thành, 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Trong tiến trình hội nhập, việc bùng nổ các chương trình liên kết quốc tế đã kéo theo nhiều loại hình hoạt động mới, đa dạng và phức tạp. Một trong những loại hình đó là việc tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế, hoạt động này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến với các nước trong khu vực và quốc tế, tranh thủ kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch. Lúc này, công tác quản lý đòi hỏi nhanh chóng thay đổi, thích ứng linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội.
Trong 2 năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, việc kết nối trực tiếp trở nên khó khăn, đứt gãy nhiều chuỗi liên kết, trong đó phải kể đến các liên kết “hợp tác quốc tế”. Nhiều chương trình, dự án hợp tác bị gián đoạn, các bên đối tác gặp khó khăn, lúng túng để tìm ra phương án giải quyết hiệu quả nhất. Lúc này, con đường duy nhất để tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế là chuyển đổi số, chuyển từ gặp gỡ, giao lưu trực tiếp sang trực tuyến, chuyển từ ký kết trực tiếp sang trực tuyến. Cá nhân tôi vẫn luôn hoài niệm về quá khứ, khi mà tôi có thể gặp gỡ bất kỳ ai và ở đâu trên thế giới để trao đổi, đàm thoại trực tiếp, để tham gia các hội thảo, hội nghị, để trải nghiệm giá trị các nền văn hóa khác nhau; tôi cũng như các cộng sự tại các địa phương và tổ chức quốc tế không còn lựa chọn nào khác là phải làm quen với các ứng dụng trực tuyến, nếu không mọi liên kết đều không thể bước ra khỏi biên giới quốc gia.
Rõ ràng đại dịch COVID-19 đã tạo ra những nhu cầu mới, bắt đầu dịch chuyển nhiều sang trực tuyếnvà đương nhiên tương tác với cáccơ quan tổ chức của chính quyền cũng dần chuyển đổi trên nền tảng trực tuyến nhiều hơn. Vậy thì việc cấp phép, tổ chức hội nghị hội thảo quốc tế trong thời gian qua đã chuyển mình như thế nào để kịp thời đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Về việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Về số lượng hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức tại thành phố trong thời gian gần đây có giảm theo từng năm, giai đoạn 2020-2021 giảm ở mức 60% so với thời gian trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Hàng loạt các hội thảo xúc tiến thương mại, du lịch, kết nối giao thương, công nghệ, du học, y tế đều bị ngưng trệ. Các kết nối truyền thống giữa các đối tác bị tạm dừng trong suốt năm 2020 để chờ đợi những tín hiệu tốt đẹp hơn trong đại dịch. Tuy nhiên, khi mọi cố gắng đều không thể kiểm soát được, tình hình dịch bệnh vẫn có thể kéo dài trong nhiều năm tới, buộc các đơn vị phải tiếp tục duy trì trao đổi, kết nối để thực hiện các kế hoạch, chương trình đã đề ra. Lúc này, dựa trên các yếu tố công nghệ và con người đã đáp ứng được lộ trình chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị dần tiếp cận với việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trực tuyến trên các nền tảng có sẵn như Zoom, Teams hay WebEx…Đơn cử như Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 06 Hội thảo trực tuyến về kết nối cung cầu công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo với các đối tác Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Trường Đại học Hải Phòng cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức 04 hội thảo trực tuyến về giáo dục nghề nghiệp với các đối tác Nhật Bản, Trung Quốc. Ngoài ra, việc tham gia các hội thảo quốc tế do các địa phương, đối tác quốc tế tổ chức cũng đã được trở lại trạng thái bình thường từ cuối năm 2020 bằng hình thức trực tuyến. Có thể đánh giá bước đầu các hội thảo này đều đạt được mục đích, nội dung theo yêu cầu đề ra, đảm bảo các nội dung của hội thảo không vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, chủ quyền lãnh thổ, tôn giáo nhân quyền và an ninh đối ngoại của thành phố.
Về công tác quản lý, cấp phép hội nghị hội thảo quốc tế
Kể từ khi Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của thành phố về giải quyết thủ tục hành chính được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, việc tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế được thực hiện 100% trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố từ năm 2019 và gần đây đã được nâng lên cấp độ 4. Tính đến nay, đã có gần 200 hồ sơ hội nghị, hội thảo quốc tế được cấp phép hoặc phối hợp cấp phép hoàn toàn qua hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị xin cấp phép.
Việc sẵn sàng chuyển đổi sang tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép hội nghị, hội thảo quốc tế của Sở Ngoại vụ sang trực tuyến là do quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết như yếu tố công nghệ, yếu tố con người và xây dựng được mô hình quản lý, điều hành, phân cấp một cách khoa học, bài bản. Do đó, đứng trước những thách thức của đại dịch Covid-19, việc cấp phép cho các hoạt động này không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Điều này khẳng định tư duy, tầm nhìn và quyết tâm chính trị của người đứng đầu đối với việc chuyển đổi lề lối, thói quen làm việc, dần tiếp cận và làm chủ công nghệ trong giải quyết các nhiệm vụ hành chính; đồng thời thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của thành phố trong công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, thời gian tới cơ quan cấp phép có thể khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thẩm định hồ sơ cũng sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng đánh giá việc thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả cao.
Từ những kết quả nêu trên có thể khẳng định việc chuyển đổi số trong hoạt động cấp phép, quản lý hội nghị hội thảo quốc tế sẽ giúp cơ quan quản lý hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, giảm chi phí cho các đơn vị, tổ chức. Tuy nhiên, để có thể triển khai một cách hiệu quả công nghệ số trong thời gian tới, cần thiết phải tạo ra một môi trường pháp lý đủ thuận lợi, trong đó quy định cụ thể các nội hàm liên quan như trao đổi văn bản điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, hoạt động gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử, sử dụng chữ ký số, lưu trữ văn bản điện tử; đồng thời đồng bộ, kết nối liên thông quy trình công việc giữa các cơ quan quản lý cùng tham gia thẩm định các thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết (công nghệ, nhân lực) để có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế trực tuyến trong giai đoạn tiếp theo mà không cần phải tính tới những ảnh hưởng của dịch bệnh hay khoảng cách địa lý.
Mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi số một cách tích cực, hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh cho thành phố, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng lợi ích cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế./.
TRẦN LÊ THU HẰNG