Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đây là cơ hội bứt phá để tỉnh Yên Bái nói chung và huyện Trấn Yên nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình hội nhập và rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Tại đại hội XIII của Đảng đã xác định: Chuyển đổi số là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để định hướng phát triển đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TU, ngày 22/7/2021 về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động số 15 về thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hóa , Kế hoạch số 120/KH-UBND, ngày 1/6/2022 về triển khai thực hiện chuyển đổi số xã, phường, thị trấn trên địa bàn năm 2022; UBND huyện Trấn Yên Ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND, ngày 7/6/2022 của UBND huyện Trấn Yên về xây dựng xã, thị trấn chuyển đổi số năm 2022.
Với quyết tâm dù đi sau nhưng cũng có thể “đuổi kịp tiến cùng”, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang huyện Trấn Yên luôn tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số, tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, đạt hiệu quả cao trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và luôn xác định chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm gắn với xây dựng huyện Trấn Yên phát triển theo hướng “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”.
Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cũng như công an các địa phương hác trên cả nước, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Trấn Yên đều tận tâm, không quản khó hăn, không ngại “đêm trắng”, cùng sự nhiệt huyết, “máu lửa”, phát huy truyền anh hùng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” để mang tới lợi ích, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), cán bộ chiến sỹ Công an huyện Trấn Yên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng sắp xếp công việc, thường xuyên tăng ca, làm ngoài giờ hành chính, chạy đua với thời gian để thực hiện các nhiệm vụ Đề án đặt ra. Được coi là nhiệm vụ rất hó vì đây phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ với khối lượng công việc lớn, áp lực công việc nhiều nhưng đổi lại là nụ cười, là sự hài lòng của công dân thì tất thẩy mọi sự mệt mỏi đều không còn nữa. Không “ồn ào” và phô trương, nhưng sự hi sinh thầm lặng của những người chiến sĩ công an đã góp phần lớn vào công cuộc việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để giúp nhân dân thực hiện chuyển đổi số một cách thuận lợi nhất và đạt hiệu quả cao nhất, Công an huyện Trấn Yên xây dựng Kế hoạch “Ngày cuối tuần cùng dân” với mục đích lan tỏa những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại cho người dân. Việc triển khai kế hoạch được thực hiện như sau:
Bắt đầu từ tháng 11/2022, Đoàn hanh niên, Hội phụ nữ Công an huyện Trấn Yên mỗi tuần thành lập 02 tổ công tác, mỗi tổ gồm 05 đồng chí phối hợp với tổ cấp căn cước công dân, định danh điện tử lưu động của Công an huyện và lực lượng Công an các xã, thị trấn trên địa bàn trực tiếp xuống cơ sở để hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID (Ứng dụng có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số); tạo tài khoản Dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho công dân; đồng thời triển khai thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân và định danh điện tử. Mỗi tuần sẽ triển khai thực hiện Chương trình đồng thời tại 02 xã trên địa bàn.
Trước khi xuống địa bàn, mỗi cán bộ chiễn sĩ đều được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến công tác chuyển đổi số để hướng dẫn và trả lời các thắc mắc của người dân, qua đó nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về chuyển đổi số và xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân.
Được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, kế hoạch “Ngày cuối tuần cùng dân” đã mang tới những hiệu quả tích cực, từ nông thôn, núi cao hay thành thị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng tôn giáo người dân đều hiểu, nắm được những tiện ích mà chuyển đổi số mang lại, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Kết quả sau hơn 01 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch, Công an huyện Trấn Yên đã tổ chức “Ngày cuối tuần cùng dân” tại 21/21 xã, thị trấn địa bàn. Qua đó, tiến hành cài đặt ứng dụng VneID cho 4238 công dân; tạo tài khoản dịch vụ công cho 4125 trường hợp; thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân cho 103 trường hợp; cấp định danh điện tử cho 11.123 trường hợp. Tính đến nay, Công an huyện Trấn Yên là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác cấp căn cước công dân và định danh điện tử của tỉnh Yên Bái (tỉ lệ cấp Căn cước công dân đạt trên 97%, tỉ lệ cấp định danh điện tử đạt 43%).
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên Công an huyện Trấn Yên luôn xác định chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là một đích đến, bởi đây là nhiệm vụ khó cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa của toàn thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị và của cả hệ thống chính trị ở địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện các mặt công tác liên quan đến công tác chuyển đổi số, Công an huyện Trấn Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, công tác chuyển đổi số phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Tổ đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện và chỉ đạo Ngành công an về công tác chuyển đổi số.
Hai là, chuyển đổi số phải được thực hiện đồng bộ, lấy lợi ích người dân làm trung tâm, căn cứ tình hình thực tế để xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp đặc điểm của địa phương gắn với mục tiêu, yêu cầu mà cấp trên đặt ra.
Ba là, quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số, người đúng đầu đơn vị phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong công tác này, quán triệt mỗi cán bộ chiến sĩ là một “tuyên truyền viên” về chuyển đổi số, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vai trò của chuyển đổi số và trách nhiệm của lực lượng Công an nhằm tạo nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác này đến người dân, cơ quan, tổ chức cũng như toàn quân. từ nhận thức đúng, đầy đủ sẽ có biện pháp đúng, sáng tạo kết hợp với quyết liệt, trách nhiệm sẽ đạt hiệu quả cao.
Năm là, xây dựng, củng cố chặt chẽ mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an với các Ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia chuyển đổi số, qua đó giúp người dân thấy được những lợi ích thiết thực của Đề án 06, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, tạo cơ sở phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong thời gian tới, Công an huyện Trấn Yên sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ giải pháp trong công tác chuyển đổi số, phát huy tốt vai trò của thường trực Tổ đề án 06 cấp huyện, hướng dẫn trực tiếp “từng người, từng nhà” để: “Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn”./.