Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC)
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Kinh tế số & Xã hội số

Thừa Thiên Huế: Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng từ cơ sở

Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy khá tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở và đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số.

Lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số

Lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng số

Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) được thành lập đã giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đời sống. Tổ CNSCĐ được thành lập ở từng khu dân cư, thôn, bản với nòng cốt là thanh niên, đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số, hướng dẫn tới từng người dân sử dụng các nền tảng số. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số (CĐS) của mỗi người dân.

Đến nay, 9/9 huyện, thành phố, thị xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai tổ CNSCĐ cho 141 xã, phường, thị trấn và đã ban hành Quyết định thành lập tổ CNSCĐ cấp thôn/khu dân cư với 1.100 tổ và 5.580 thành viên. Đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban Quốc gia về CĐS - Cục CĐS quốc gia tập huấn nghiệp vụ cho hơn 866 tổ CNSCĐ trên địa bàn tỉnh với 4.247 thành viên tham dự. Thành viên tổ CNSCĐ được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Tại huyện Quảng Điền, đã thành lập và kiện toàn thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng theo hướng tăng cường thành viên trẻ tuổi, am hiểu công nghệ, có thiết bị di động phục vụ cho công việc. Nhiệm vụ hàng đầu của Tổ công nghệ số cộng đồng là hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID và ứng dụng Hue-S; thu thập địa chỉ số và một số thông tin phục vụ triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, tổng số hộ đã tạo địa chỉ số là 24.124; tổng số nhân khẩu đã nhập là 80.942 nhân khẩu; tổng số hộ nghèo 665 hộ/670 hộ, đạt 99,25%.  Quá trình triển khai có nhiều đơn vị thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu như: Quảng Thành, thị trấn Sịa, Quảng Phú, Quảng Vinh, Quảng An.

Hỗ trợ người dân sử dụng, cài đặt xác thực định danh qua VneID

Tại thị xã Huơng Thủy đã thành lập 86 tổ công nghệ số cộng đồng với 512 thành viên. Các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân về thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt trên ứng dụng Hue-S, cài đặt, sử dụng sổ BHXH số; giới thiệu và hướng dẫn cách truy cập, sử dụng dịch vụ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, giới thiệu về Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, cài đặt xác thực định danh qua VneID…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, ngay sau khi các tổ được thành lập, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên trong Tổ, đảm bảo các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.

Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, Tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử... Qua công tác tuyên truyền phổ biến về chuyển đổi số, người dân bước đầu đã làm quen với khái niệm chuyển đổi số, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.

Sử dụng những tiện ích của CNTT để phục vụ cho công việc hay đời sống xã hội đang trở thành xu hướng tích cực ở Thừa Thiên Huế. Với sự tuyên truyền, hướng dẫn từ các tổ CNSCĐ, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Những khó khăn về nhận thức hay khoảng cách địa lý đã giảm bớt nhờ sự hỗ trợ tích cực của tổ CNSCĐ.

Hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng công nghệ số

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn, phát huy tốt vai trò của tổ CNSCĐ tại các địa phương sẽ giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn. Dù mới hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng các tổ CNSCĐ đã giúp bà con nhân dân thay đổi từ nhận thức đến thói quen về sử dụng công nghệ.

Để tổ CNSCĐ đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về CĐS cho các thành viên tổ CNSCĐ; cung cấp các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Ngoài ra, “các tổ CNSCĐ đang tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân hiểu, người dân biết và cùng chung tay với chính quyền thực hiện CĐS; từng bước triển khai các dịch vụ, tiện ích phục vụ cho người dân như: y tế, giáo dục, giao thông, ứng dụng Hue-S… xác thực định danh qua VneID.

Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong thời gian qua đã cho thấy đây thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương đã và đang triển khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.

Đang tải

Bài liên quan