Một số kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng điện tử cho trẻ mầm non, trường mầm non Đằng Hải, Hải Phòng
Trong lĩnh vực GDĐT, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới GDĐT theo hướng truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học. Theo đó, nhiều mô hình giáo dục thông minh đang được phát triển trên nền tảng ứng dụng CNTT làm cho việc truy cập kho kiến thức khổng lồ trên môi trường mạng được nhanh chóng, dễ dàng; giúp việc tương tác giữa gia đình, nhà trường, giáo viên, học sinh gần như tức thời. Tại các cơ sở giáo dục mầm non việc dạy học gồm số hóa học liệu như (bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning…). Nhưng để tạo ra được các sản phẩm video bài giảng có chất lượng cao đòi hỏi giáo viên phải có trình độ về chuyên môn và có kỹ năng sử dụng phần mềm soạn giảng. Trên thực tế, nhiều giáo viên mầm non chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập; kỹ năng thao tác thiết kế soạn giảng của một số giáo viên còn hạn chế chưa hợp lý, ý tưởng còn vay mượn, thụ động. Hôm nay trường mầm non Đằng Hải, quận Hải An, Thành Phố Hải Phòng muốn chia sẻ một câu chuyện về Chuyển đổi số trong Giáo dục, về góp phần phát triển nền tảng ứng dụng Công nghệ thông tin tạo kho học liệu, cụ thể là “Một số kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng điện tử cho trẻ mầm non”. Để góp phần đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giảng dạy, học tập trong các cấp giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng thì việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng các phần mềm giáo dục sẽ giúp giáo viên mầm non tiết kiệm được thời gian, chi phí mà vẫn nâng cao được tính sinh động, hiệu quả của giờ dạy.