Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia
Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC)
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Câu chuyện
Chuyển đổi số
Kinh tế số & Xã hội số

Xử lý thần tốc “nghẽn lệnh” hệ thống Giao dịch chứng khoán HOSE

"Nghẽn lệnh sàn HOSE" là từ khoá nóng nhất kể từ cuối năm 2020 trên mọi diễn đàn tài chính. Sau 100 ngày, hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đi vào hoạt động thông suốt, tạo nên sự ổn định và tin tưởng lớn cho thị trường.

"Nghẽn lệnh sàn HOSE" là từ khoá nóng nhất kể từ cuối năm 2020 trên mọi diễn đàn tài chính. Giữa bối cảnh nóng hổi đặt ra cho thị trường chứng khoán và hàng triệu nhà đầu tư (NĐT), FPT đã chủ động đề xuất và huy động các nguồn lực liên quan cùng hợp lực triển khai. Sau 100 ngày, hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đi vào hoạt động thông suốt, tạo nên sự ổn định và tin tưởng lớn cho thị trường. Dự án là dấu ấn lớn của thị trường và với FPT, đây là hạnh phúc khi được đi đến cùng/quyết liệt hành động trong chuyển đổi số, được trao niềm tin giải các bài toán quan trọng hơn, có tầm ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia.

“Cú hích” giải quyết vấn đề nghẽn lệnh

Hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) sử dụng hiện nay được xây dựng dựa trên sự giúp đỡ của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, thanh khoản tăng đột biến từ cuối năm 2020 cho đến quý 1/2021 đã vượt quá khả năng xử lý của hệ thống, dẫn tới tình trạng nghẽn lệnh. Tình trạng tắc nghẽn và khó khăn trong giao dịch gây nên những bức xúc rất lớn cho các nhà đầu tư. Điều này gián tiếp làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến dịch vụ của các công ty chứng khoán (CTCK) cung cấp cho nhà đầu tư, nhiều công ty chứng khoán lớn bị khách hàng hiểu nhầm do dịch vụ của mình yếu kém dẫn đến việc không làm hài lòng nhà đầu tư. Bên cạnh đó việc hệ thống của SGDCK HCM không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của các CTCK. 

Không đứng ngoài cuộc, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm phương án kỹ thuật, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường. Ngày 6/3/2021, tại Hội nghị “Đối thoại Việt Nam năm 2021” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Tập đoàn SOVICO và Công ty cổ phần FPT đã đề xuất cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xử lý vấn đề nghẽn lệnh tại sàn HOSE và nhận được sự đồng ý phê duyệt.

Bài toán đặt ra vấn đề cấp thiết phải giải ngay cho SGDCK HCM là một hệ thống giao dịch hội tụ đủ các yếu tố: Tốc độ giao dịch cao trong nhận lệnh, khớp lệnh, trả kết quả khớp lệnh, trả thông tin thị trường… Khối lượng giao dịch xử lý được 3-5 triệu lệnh và 50.000-100.000 tỷ VND (hệ thống hiện tại chỉ đáp ứng tối đa 1 triệu lệnh với giá trị giao dịch giao động trong khoảng 16.000 đến 24.000 tỷ VND) Thời gian triển khai nhanh do các NĐT và các CTCK đã trải qua một thời gian dài sống chung với những bất tiện của hệ thống cũ. Một điều vô cùng quan trọng chính là hệ thống mới cần tương thích với hệ thống của hơn 70 CTCK với gần 20 nhà cung cấp giải pháp phần mềm chứng khoán khác nhau, nhiều nhà cung cấp là của nước ngoài trong với điều kiện dịch bệnh Covid đang diễn ra. Hệ thống giao dịch cần được đánh giá hiệu năng đáp ứng, các thông số về an toàn, bảo mật thông tin phải được đánh giá một cách độc lập bởi các tổ chức chuyên về an toàn, an ninh mạng.

"Kế hoạch giải cứu nghẽn lệnh 100 ngày": Xử lý 3-5 triệu lệnh/ngày, bỏ cơ chế phân bổ lệnh, cán bộ làm việc 36-48 tiếng không về nhà

“FPT sẽ nhận nhiệm vụ xử lý vấn đề kỹ thuật của thị trường chứng khoán HoSE”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nói với Thủ tướng tại chương trình “Đối thoại 2045” diễn ra vào tháng 03/2021.

Sau khi được sự đồng thuận với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HOSE, FPT thống nhất phương án sẽ lấy phần mềm từ HNX để cài sang HoSE và chỉnh sửa lại cho phù hợp. Từ góc độ công nghệ và kỹ thuật, FPT và đơn vị trực tiếp triển khai là FPT IS đã đặt niềm tin về việc khắc phục có thể thực hiện trong 100 ngày. Đã có nhiều hoài nghi đặt ra về việc công nghệ tài chính là một lĩnh vực khó, doanh nghiệp nội chưa làm chủ được. Nhưng trên thực tế, FPT đã đi cùng với thị trường chứng khoán từ những ngày đầu thành lập cho đến nay đã hơn 20 năm nhờ đó có được những am hiểu quý giá và thực tế về ngành như hệ thống lõi cho Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, các hệ thống Giám sát cho Uỷ ban Chứng khoán Việt Nam, hệ thống lõi nghiệp vụ cho CTCK, hệ thống giao dịch chứng khoán cho SGDCK Hà Nội.... Tuy nhiên, mọi phương án đều phải tính tới các trường hợp rủi ro và vẫn còn nhiều vấn đề không phụ thuộc vào FPT như việc thu xếp kinh phí, xử lý lỗi phát sinh trong quá trình kiểm thử. 

“Đây là một bài toán khó”, Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều thừa nhận, “cần giải quyết tổng quan cả hệ thống chứ không đơn thuần là xử lý sự cố kỹ thuật của một phần mềm”. Thông thường, việc xây dựng một hệ thống có thể xử lý lượng giao dịch lớn được triển khai trong điều kiện không dịch bệnh và áp lực thời gian, thì phải tính đơn vị năm mới hoàn thiện. Nhưng đội dự án chỉ có 100 ngày. Bài toán cần giải là nâng công suất xử lý 3-5 triệu lệnh một ngày, ít nhất gấp 3 lần hiện tại và bỏ cơ chế phân bổ cho các công ty chứng khoán để tránh quá tải cục bộ.
FPT xác định, đây là lúc cần huy động và phát huy các thế mạnh của toàn tập đoàn, trong bối cảnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, HOSE và các bên liên quan để đưa ra lời giải đúng hạn. Tinh thần là cần khẩn trương nhưng cẩn trọng, đẩy nhanh tốc độ các quy trình nhưng không bỏ qua hay lơ là các bước quan trọng. 

FPT đã huy động đội tác chiến được chọn lựa kỹ càng, tập hợp toàn bộ sức mạnh của các công ty thuộc tập đoàn FPT, nhà thầu phụ và các bên liên quan. Nhóm dự án gồm hơn 100 chuyên gia tinh nhuệ, có nhiều năm kinh nghiệm về nghiệp vụ tài chính chứng khoán, các kỹ sư hàng đầu về công nghệ phần mềm, hạ tầng, bảo mật…trong nội bộ FPT và các công ty liên quan đã được thành lập trong thời gian 01 ngày. Các chuyên gia nhanh chóng phối hợp với HOSE lên kế hoạch những thứ cần làm chi tiết đến từng ngày, tập trung vào ba đầu việc chính là sửa phần mềm giao dịch chứng khoán của sàn Hà Nội (HNX) cho phù hợp với đặc tính giao dịch của HoSE, viết lại hệ thống giao tiếp với các công ty chứng khoán và tích hợp thêm phần mềm từ các đơn vị khác như Uỷ ban Chứng khoán (UBCK), Trung tâm Lưu ký (VSD)… nhằm giảm thiểu việc chỉnh sửa hệ thống của các bên liên quan theo yêu cầu của HOSE. Bên cạnh đó là việc lên kế hoạch cho việc thiết kế, mua sắm, triển khai hệ thống phần cứng, bảo mật,… cho hệ thống mới. Dù việc đánh giá kiểm tra chuyển đổi kết thúc lúc 4h sáng liên tục, hay có thành viên 36-48 giờ không về nhà để trực, đổ dữ liệu cho hệ thống, đội dự án vẫn duy trì cường độ làm việc này đến khi hệ thống sẵn sàng bàn giao cho HOSE để đảm bảo vận hành.

Hệ thống được xây dựng theo hướng module hóa tối đa, tổng thể hệ thống là tập hợp các module hoạt động độc lập và tích hợp trên nền Message Bus đảm bảo sự liên thông với tốc độ cao giữa các phân hệ, dễ dàng phát triển các tính năng mới khi cần thiết mà không ảnh hưởng đến các phân hệ khác. Nền tảng cho việc liên thông giữa các phân hệ ứng dụng trong hệ thống giao dịch được thiết kế với các cấu phần Middleware được phát triển trên nền tảng ZeroMQ, có chỉnh sửa và tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu vận chuyển các thông điệp với số lượng lớn và tốc độ xử lý cao. Hướng thiết kế Multi-Threading giúp tăng hiệu năng, giảm thời gian xử lý tạo nên sức mạnh bảo vệ hệ thống để đảm bảo đồng thời hiệu năng, linh hoạt và an toàn. Hệ thống cũng cho phép khả năng scale-out giúp tăng khả năng đáp ứng lên tới hàng chục lần mà không cần những thay đổi lớn về công nghệ, đồng thời sẵn sàng cho việc triển khai trung tâm dữ liệu dự phòng để dự phòng cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với trung tâm dữ liệu chính. Với thiết kế tối ưu và linh hoạt từ phía SGDCK đáp ứng các ràng buộc phức tạp của một hệ thống lõi đang chạy, và trong một thời gian ngắn kỷ lục, đồng thời thỏa mãn tiêu chí quan trọng là các CTCK gần như không phải chỉnh sửa hệ thống. Thời gian kiểm thử với các CTCK với các giai đoạn hẹp và rộng ngắn, không tốn quá nhiều nguồn lực của các CTCK. Tất cả các yếu tố công nghệ trên đã được áp dụng trong một kiến trúc tổng thể và thiết kế khéo léo tạo nên một hệ thống có khả năng xử lý hiệu năng cao, cân bằng, tính sẵn sàng cao, an toàn, bảo mật, linh hoạt và có tính mở rộng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nâng công suất xử lý lên 3-5 lần, HOSE không còn nghẽn lệnh

Sau 3 tháng, hệ thống đã được triển khai, chuyển giao, đưa vào hoạt động thông suốt, an toàn từ ngày 5 tháng 7 năm 2021 với năng lực xử lý gấp 3 - 5 lần hệ thống cũ. Với hệ thống giao dịch mới (3 - 5 triệu lệnh/ngày), hệ thống mới sẽ đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất 3 - 5 năm tới, đồng thời HOSE hoàn toàn làm chủ về công nghệ để có thể mở rộng trong tương lai.

Vốn hóa thị trường chứng khoán đã tăng trưởng 21%, từ 4,5 triệu tỷ đồng lên 5,4 triệu tỷ đồng, thêm gần 1 triệu tỷ đồng từ tháng 3/2021 đến nay. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong quý I, (trước khi thay thế hệ thống) chỉ đạt 15,7 nghìn tỷ đã tăng 33,7% lên hơn 21 nghìn tỷ/phiên trong Quý III, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19.

Hiện tại, Hệ thống hoạt động ổn định, trơn tru, thông suốt, đảm bảo nhu cầu giao dịch của các CTCK và Nhà đầu tư. FPT và HOSE vẫn luôn theo dõi sát mọi diễn biến, thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin với nhau nhằm có sự phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động giao dịch thông thường.

Đây là kết quả của sự phối kết hợp sức mạnh toàn thể giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cùng các bên hữu quan với sự nỗ lực của FPT và nhiều chuyên gia công nghệ, sự hợp tác của HOSE, tập đoàn Sovico, các đơn vị thành viên và các đơn vị liên quan. 

Ông Trương Gia Bình chia sẻ: “100 ngày thực hiện dự án là cuộc chiến quyết liệt và FPT đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ rất chặt chẽ của Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE… Qua đó, tôi nhận thấy, chỉ cần được tin cậy giao nhiệm vụ, cộng đồng doanh nghiệp ở mọi loại hình, quy mô và lĩnh vực đều có thể hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội”.

Bài học lớn về hợp lực

Kết quả của dự án đã chứng minh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân trong nước với điều kiện sự chuyên nghiệp đã được nâng cao, thể hiện rõ được lợi thế “làm chủ” và “tự chủ” - đảm bảo sự linh hoạt và thấu hiểu - đảm bảo tính an toàn bảo mật - đảm bảo tính chủ động - đảm bảo tốc độ mà rất khó có thể được thực hiện bởi các đối tác nước ngoài. 

Nhìn lại những năm 2000 thậm chí đầu những thập niên 2010, các phần mềm của các hệ thống trọng yếu như chứng khoán, ngân hàng, viễn thông… đều sử dụng các giải pháp của nước ngoài, cho dù đó là của Mỹ, Châu Âu, hay Ấn độ, Thái Lan, Malaysia,... Ít người biết là giới CNTT trong nước trong lúc đó đã âm thầm làm những việc ít người biết. Toàn bộ các hệ thống lõi nền tảng của ngành tài chính - thuế - Hải quan được các doanh nghiệp trong nước xây dựng - ngoại trừ của HOSE (năm 2000) sử dụng hệ thống của Thái Lan. Đó cũng là hệ thống mà chúng ta đề cập ở đây…. năm 2021 giới doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đã có cơ hội chung tay nhập cuộc. Sau bao năm học hỏi, phải chăng đã đến lúc chúng ta tự xây nên các nền móng của chính mình - ở các phạm vi rộng hơn, chuyên môn sâu hơn, niềm tin được trao đầy đủ hơn, trách nhiệm lớn hơn,...

Dự án được thực hiện thành công trên cơ sở tập hợp sức mạnh của các đơn vị liên quan ở nhiều lĩnh vực, bằng các giải pháp phù hợp, có sẵn giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề. Dựa trên những am hiểu về ngành và năng lực CNTT từ các chuyên gia hàng đầu và phát huy hiệu năng tối đa của hạ tầng mạnh dựa trên việc thảo luận và phân tích chuyên sâu nghiệp vụ cùng rủi ro, hệ thống HOSE đã được đề xuất giải pháp công nghệ đúng hướng. Bên cạnh đó, dự án tập hợp toàn bộ sức mạnh của các công ty thuộc tập đoàn FPT, nhà thầu phụ và các bên liên quan (không chỉ ở trong FPT mà là FPT còn kết hợp với giới CNTT trong nước) đã mang đến một tổng thể đa chiều, phát huy thế mạnh nội tại. Sau cùng, điểm mấu chốt để FPT hoàn thành dự án thần tốc này chính là sự cam kết và tính chuyên nghiệp, giúp dự án diễn ra đúng kế hoạch và kịp thời lên các kịch bản phòng ngừa sự cố, đảm bảo giao dịch an toàn.

Xuyên suốt quá trình, định hướng mà toàn bộ đội ngũ thực thi dự án tuân thủ chính là sự thông suốt, minh bạch trong truyền thông. Trước tiên, đó là sự thông suốt thông tin và định hướng giữa Chỉ đạo của Nguyên Thủ tướng và Thủ tướng, Bộ Tài chính, UBCKNN, HOSE và thị trường CK. Song hành với đó là sự trong suốt trong việc xoa dịu dư luận và bức xúc của thị trường CK trong hành trình 100 ngày đêm HOSE, gia tăng sự thấu hiểu của thị trường vào hệ thống HOSE, gia tăng sự tự tin và đáp ứng kỳ vọng của NĐT vào giải pháp hệ thống mới. Trong những ngày cao trào thực hiện “chiến dịch”, đội ngũ truyền thông của FPT và HOSE làm việc sát cánh từng ngày, chăm lo “tin tức” cho từng những quan ngại nhỏ nhất của thị trường, cùng nhau đưa những thông tin cập nhật từ “chiến trường” để làm yên lòng và tăng sự tự tin cho các bên. Đồng thời, khi các sự cố xảy ra thông tin truyền thông cũng lập tức được đưa tới các bên theo đúng quan điểm thông suốt, khách quan và kịp thời. Không khoảng cách, đó là thông điểm của đội ngũ dự án và truyền thông trong giai đoạn thực hiện. 
 

Đang tải

Bài liên quan